Các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chưa thu được giá trị cao một phần do chưa có sự đầu tư thích đáng trong khâu thiết kế sáng tạo.
Theo các chuyên gia, xây dựng thương hiệu là phương pháp để gia tăng giá trị cho doanh nghiệp. Song để thương hiệu của doanh nghiệp tạo được dấu ấn trên thị trường thì cần có sự khác biệt, tạo được dấu ấn, phù hợp với khách hàng mục tiêu và trường tồn nhất quán với thời gian.
Thiết kế sáng tạo theo xu hướng mới nhất
Bàn về vai trò của thiết kế trong hoạt động marketing và kinh doanh của doanh nghiệp, bà Nguyễn Hữu Minh Thy, Giám đốc Sáng tạo, Richard Moore Associates nhận định, ngày nay không một doanh nghiệp nào bắt tay vào kinh doanh lại không muốn gắn kinh doanh của mình với thị trường. Theo bà Thy, để xây dựng được thương hiệu khác biệt trong quy trình phát triển hình ảnh thương hiệu cho doanh nghiệp cần tích hợp theo 5 bước: Lập chiến lược, xây dựng ý tưởng, triển khai ý tưởng, ứng dụng sản xuất, duy trì và phát triển.
Chia sẻ về xu hướng mới trong xây dựng hình ảnh thương mại trên thị trường quốc tế hiện nay, chuyên gia thiết kế Malaysia – ông Omar Osman cho rằng, người sở hữu sản phẩm và nhà sản xuất cần được cập nhật xu hướng mới nhất để duy trì thương hiệu của họ. Xây dựng thương hiệu không chỉ là thiết kế lại logo hay hình ảnh, mà xây dựng thương hiệu là một phương pháp làm mới.
“Để đạt được hiệu quả trong xây dựng thương hiệu sáng tạo phải dựa trên các yếu tố sản phẩm, quảng cáo, mạng xã hội, marketing, bán hàng, phân phối. 5 yếu tố quan trọng nhất để doanh nghiệp có thương hiệu tốt nhất là đổi mới, sáng tạo, rất tập trung, chuyên tâm và thành thật. 3 yếu tố quan trọng trong xây dựng thương hiệu mà các doanh nghiệp cần ghi nhớ là phải tập trung, rất tập trung và luôn luôn tập trung.
Còn theo ông Kim Deukjoo, chuyên gia của Trung tâm Hợp tác Thiết kế Việt Nam – Hàn Quốc, để mọi sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ của Hàn Quốc bán được trên toàn cầu thì từ hàng mấy chục năm trước, Chính phủ Hàn Quốc đã xúc tiến các chương trình học tập các nước như Nhật Bản, Mỹ và châu Âu về thiết kế. Tuy nhiên, nhiều năm gần đây, Hàn Quốc đã hoàn toàn chủ động được việc này và chính thiết kế sáng tạo là yếu tố quyết định để tạo nên thương hiệu cho các sản phẩm và doanh nghiệp Hàn Quốc.
Ông Kim Deukjoo cho rằng, chính các doanh nhân trong mọi lĩnh vực ở Việt Nam cần sớm nhận ra lợi ích của thiết kế sáng tạo cho các sản phẩm, dịch vụ của mình. Trung tâm Hợp tác Thiết kế Việt Nam – Hàn Quốc là địa chỉ mà các doanh nhân cần chủ động tìm đến để nhận được sự trợ giúp.
Doanh nghiệp cần đầu tư xứng đáng
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, những năm gần đây cục đã triển khai các chương trình nâng cao nhận thức về thiết kế sáng tạo cho đông đảo doanh nhân, doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa để họ ý thức được việc phải quan tâm, đầu tư xứng đáng cho thiết kế với sản phẩm của mình vì thiết kế gắn liền với thương hiệu của sản phẩm và doanh nghiệp.
Ông Phú cũng cho biết, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thiết kế cũng được duy trì và phát triển, Cục Xúc tiến thương mại đại diện Việt Nam tích cực tham gia các chương trình phối hợp với các nước châu Á trong Chương trình Hợp tác thiết kế châu Á và mở rộng các hoạt động hợp tác với các nước và khu vực trên thế giới.
Theo đó, Cục Xúc tiến thương mại cũng phối hợp với các đối tác Hàn Quốc (Tổ chức Hợp tác quốc tế Hàn Quốc – KOICA, Viện Xúc tiến thiết kế Hàn Quốc – KIDP) thành lập Trung tâm Hợp tác thiết kế Việt Nam – Hàn Quốc tại Việt Nam, trong khuôn khổ của Dự án “Nâng cao chuỗi giá trị ngành thủ công nghiệp Việt Nam”. Trung tâm sẽ được khai trương và đi vào hoạt động trong năm 2018 tại địa chỉ 17 Yết Kiêu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
“Đây được coi là không gian làm việc, giao lưu cho các nhà thiết kế trong nước và quốc tế, có các hoạt động hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp, đồng thời phối hợp với các trường chuyên ngành, đào tạo một lực lượng thiết kế trẻ, tài năng, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp trong thời gian tới; từ đó hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực thiết kế, phát triển sản phẩm nhằm gia tăng giá trị của sản phẩm.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương – ông Đỗ Thắng Hải, hiện nay ngành thiết kế nói riêng và ngành công nghiệp sáng tạo nói chung của Việt Nam còn nhiều hạn chế và đi sau nhiều nước trong khu vực và thế giới. Các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam tuy có chất lượng tốt nhưng giá trị thu được chưa cao, một phần là do chưa có sự đầu tư thích đáng trong khâu thiết kế sáng tạo – khâu quan trọng đem lại nhiều giá trị gia tăng cho sản phẩm.
“Trước bối cảnh đó, Bộ Công Thương cụ thể là Cục Xúc tiến thương mại đã tập trung thực hiện nhiều chương trình, hoạt động trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo nhằm tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực thiết kế và phát triển sản phẩm, tạo sức cạnh tranh cho các sản phẩm Việt Nam trên thị trường trong và ngoài nước”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết./.
Nguyễn Quỳnh/VOV.VN